Người Úc lãng phí 5 triệu tấn thức ăn, tương đương 20 tỷ đô-la mỗi năm

Monday, 26/11/2018, 19:37 PM

Tính riêng ở Úc, có tới 5 triệu tấn thức ăn bị đổ bỏ, tương đương giá trị kinh tế khoảng 20 tỷ đô-la mỗi năm. Trong đó, các hộ gia đình ở New South Wales góp phần lớn nhất trong con số này, với khoảng 3.805 đô-la chi tiêu lãng phí cho thực phẩm hàng năm.

Việc tiêu dùng thực phẩm hoang phí không chỉ làm thiệt hại cho ví tiền của người dân mà còn gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Khi thức ăn bị đổ bỏ và đưa đến các bãi chôn lấp rác thải, quá trình phân hủy sẽ tạo ra khí mê-tan – một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh gấp 25 lần so với khí các-bon đi-ô-xít. Trên toàn cầu, khí mê-tan từ chất thải thực phẩm chiếm tới 7% tổng lượng phát thải khí nhà kính của thế giới.”

Tuy nhiên, những sai lầm đắt giá này có thể sửa chữa được một cách dễ dàng. Theo bà Amanda Kane, quản lý Dự án Love Food Hate Waste – một sáng kiến ​​được tài trợ bởi Cơ quan Bảo vệ môi trường NSW, quan trọng là sự thay đổi thái độ và hành vi tiêu dùng. “Chúng ta cần suy nghĩ về cách giảm lượng rác thải thực phẩm khi lên kế hoạch ăn uống, mua sắm, cất trữ, nấu nướng và tận dụng thực phẩm”. Bà Kane cho rằng, điều này hoàn toàn có thể thực hiện được, nhất là khi các gia đình quan tâm hơn tới những gánh nặng tài chính.

Các hộ gia đình ở NSW góp phần lớn nhất trong việc làm gia tăng rác thải thực phẩm mỗi năm

Nguồn ảnh: iStock

Cho đến nay đã có 620 hộ gia đình đăng ký tham gia chương trình Food Smart dành cho gia đình thuộc dự án Love Food Hate Waste. Trong khi đó, chương trình Your Business is Food cũng trong khuôn khổ dự án, dành cho khối doanh nghiệp, kỳ vọng sẽ giúp các tổ chức kinh doanh cắt giảm trung bình 21% lượng rác thải thực phẩm.

Dưới đây là một vài bước đơn giản để giảm thiểu rác thải thực phẩm (từ Dự án Love Food Hate Waste)

Lên kế hoạch cho bữa ăn: Nên sắp xếp việc ăn uống cho cả tuần, suy nghĩ về các nguyên liệu chế biến cần thiết. Đảm bảo rằng bạn đã kiểm tra lại một lượt các thực phẩm sẵn có trong bếp, đôi khi việc này sẽ giúp bạn nhận thấy không cần thiết phải đi mua thêm đồ ăn nữa.

Lên một danh sách những thực phẩm cần thiết khi đi mua sắm: Rất nhiều người đến cửa hàng chỉ với mục đích mua một vài thứ nhưng lại đi ra với một xe đẩy đầy thức ăn. Khi chọn một mặt hàng nào đó, hay cân nhắc thật kỹ. Tốt nhất là viết ra một danh sách tất cả các nguyên liệu cần thiết để chế biến bữa ăn và mua sắm theo kế hoạch.

Nấu vừa đủ lượng thức ăn: Việc nấu quá nhiều là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây lãng phí thực phẩm. Để đảm bảo vừa đủ lượng thức ăn mỗi bữa, hãy lưu ý đến khẩu phần ăn cụ thể trong mỗi công thức nấu.

Kích thước được đề xuất với một số loại thực phẩm phổ biến cho một người ăn như sau:

  • Khoai tây, gạo, mì ống và các loại đậu: tương đương kích thước một nắm tay siết chặt
  • Trái cây và các loại hạt: tương đương kích thước một bàn tay khum lại
  • Rau quả và rau xanh: tương đương kích thước hai bàn tay khum lại
  • Thịt và trứng: tương đương kích thước và độ dày của lòng bàn tay
  • Pho-mát, nước sốt: tương đương kích thước ngón tay cái.

 

Phóng viên Thu Hà

Báo Doanh nhân Việt Úc

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm