Úc là quốc gia G20 đang “chệch hướng xa nhất” trong tiến trình hành động vì khí hậu

Wednesday, 20/11/2019, 19:56 PM

Một báo cáo mới đây cho thấy Úc là một trong những quốc gia thuộc G20 đang ở cách xa nhất các mục tiêu phát thải được cam kết theo Hiệp định Paris. Điều này đòi hỏi Chính phủ Úc phải khẩn trương tăng cường hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Báo cáo “Brown to Green”, được tổng hợp bởi 14 nhà tư tưởng và viện nghiên cứu quốc tế, là bản đánh giá thường niên toàn diện nhất trên thế giới về hành động của các quốc gia G20 về biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải bằng không. Báo cáo được tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới, Quỹ ClimateWorks Foundation có trụ sở tại Hoa Kỳ và Bộ Môi trường Đức.

Đàn cừu trên khu đất bị ảnh hưởng bởi hạn hán gần Bollon, Tây Nam Queensland

Nguồn ảnh: AAP

Đồng tác giả bản báo cáo – Giám đốc điều hành của Tổ chức Phân tích Khí hậu (Climate Analytics), ông Bill Hare, cho biết ngành năng lượng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Úc là ngành thâm dụng carbon lớn thứ hai trong G20. Úc tạo ra 80% điện năng từ nhiên liệu hóa thạch (trên mức trung bình G20 là 63%). Theo ông Hare, nước Úc cần nỗ lực hoàn thiện chương trình mục tiêu năm 2030 của mình, xây dựng chiến lược không cacbon và thực hiện các chính sách hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, Úc nhất thiết phải đẩy nhanh tốc độ khử carbon trong sản xuất điện, hoàn thành mục tiêu không carbon vào năm 2040, bao gồm cả việc loại bỏ sử dụng than đá vào năm 2030 trong lộ trình này.

Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố Úc đang trong lộ trình đáp ứng và đảm bảo các cam kết cắt giảm phát thải.

Nguồn ảnh: AAP

Báo cáo cũng kêu gọi các quốc gia G20 hành động nhiều hơn để hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Nếu nhiệt độ chỉ tăng 1,5 độ C thay vì mức tăng 3 độ C thì có thể làm giảm 70% tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Các sự kiện thời tiết cực đoan đã gây thiệt hại lên tới 142 tỷ USD cho các nền kinh tế G20 mỗi năm.

Các kết quả trong báo cáo không đưa ra bảng xếp hạng tổng thể giữa các quốc gia nhưng qua một loạt các yếu tố được xếp hạng thì Úc nằm trong những nước có kết quả thực hiện thấp nhất trong G20.

Chính phủ Liên bang đã nhiều lần bảo vệ quan điểm và chính sách về biến đổi khí hậu của mình, khẳng định Chính phủ Úc đang đi đúng hướng để đáp ứng các cam kết Paris và Kyoto. Tuy nhiên, báo cáo này đã cho thấy tiến trình đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải của Úc là tồi tệ thứ ba, chỉ xếp trên Hàn Quốc và Canada, khi đã xét các cam kết được xem là “không mấy tham vọng” theo Hiệp định Paris.

Thủ tướng Scott Morrison từng bác bỏ những chỉ trích nhằm vào Úc về vấn đề hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nguồn ảnh: AAP

Các dự tính về hiệu quả chính sách hiện tại cho thấy Úc đã không đạt được mục tiêu giảm phát thải 26% đến 28% so với mức phát thải năm 2005. Khí thải của Úc đã tăng lên kể từ năm 2015 sau khi chính sách giá carbon bị bãi bỏ. Theo kết quả báo cáo, phát thải khí nhà kính bình quân đầu người của Úc cao hơn mức trung bình của G20.

Cũng theo báo cáo, Úc có lượng khí thải từ giao thông vận tải tính trên đầu người cao thứ ba trong G20 với lượng phát thải trong các ngành vận tải và công nghiệp tăng vọt và “gần như không có chính sách nào” để giải quyết vấn đề này. Trong lĩnh vực cung cấp năng lượng, mức khí thải trên đầu người của Úc cao hơn gấp đôi so với mức trung bình của G20.

Báo cáo ghi nhận việc sử dụng năng lượng tái tạo ở Úc đang gia tăng và chiếm gần 20% tổng nguồn cung cấp năng lượng. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức trung bình trong G20 là 25%. Báo cáo đặt ra câu hỏi về đầu tư trong tương lai của Úc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và hoài nghi về ý định thiết lập mục tiêu năng lượng tái tạo sau năm 2020 của quốc gia này khi cho biết với việc đã đạt được mục tiêu năm 2020, các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo của Úc đã bắt đầu giảm.

Ngoài ra, bản báo cáo còn xác định Úc là một điểm nóng phá rừng, và cho rằng việc này cần được ngăn chặn, nhưng hiện nay Úc “không có chính sách nào” để bảo vệ rừng khỏi bị tàn phá.

Thủ tướng Scott Morrison an ủi một người dân được sơ tán khỏi đám cháy ở New South Wales.

Nguồn tin: AAP

Những kết luận từ báo cáo Brown to Green càng làm nóng lên cuộc tranh luận về hệ quả của biến đổi khí hậu và những hành động thiếu quyết liệt của chính phủ liên quan đến vấn đề này nhất là trong bối cảnh nước Úc đang trong thảm họa hỏa hoạn. Chỉ từ đầu tháng 11, đã có hơn 70 đám cháy hoành hành trên khắp bang NSW với 40 vụ chưa được khống chế, 10 vụ trong số đó phải ra cảnh báo khẩn cấp. Nhiều khu vực ở Queensland cũng nằm trong biến lửa với 55 vụ cháy đã diễn ra trên toàn bang. Bộ trưởng Dịch vụ Khẩn cấp, ông David Elliott, cho biết người dân đang phải đối mặt với “tuần lễ cháy rừng nguy hiểm nhất mà quốc gia này từng thấy”.

Cảnh báo hỏa hoạn tại nhiều khu vực thuộc bang NSW

Nguồn ảnh: news.com.au

Các nhà hoạt động môi trường đã ngay lập tức liên hệ những vụ hỏa hoạn với vấn đề biến đổi khí hậu. Mặc dù vậy, đại diện chính quyền các bang thì cho rằng đây không phải lúc thảo luận vấn đề này mà việc cần làm khẩn cấp là tập trung kiểm soát các đám cháy. Tuy nhiên, các nạn nhân chịu thiệt hại trực tiếp từ thảm họa khẳng định “coi nhẹ vấn đề biến đổi khí hậu trong tình huống như thế này là sai trái”.

 

Nguồn tin: www.sbs.com.au

 

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm