Úc: Phủ quyết thỏa thuận trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường giữa chính quyền Victoria với Trung Quốc

Saturday, 24/04/2021, 11:03 AM

Chính phủ liên bang đã phủ quyết bốn thỏa thuận giữa chính quyền tiểu bang Victoria và các chính phủ nước ngoài, trong đó có hai thoả thuận trong khuôn khổ Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) vốn gây nhiều tranh cãi mà Victoria đã ký kết với Trung Quốc. Động thái này khiến Đại sứ quán Trung Quốc công khai chỉ trích mạnh mẽ.

Đây là lần đầu tiên Khối thịnh vượng chung sử dụng quyền lực mới cho phép Chính phủ liên bang hủy bỏ các thỏa thuận mà chính quyền tiểu bang và vùng lãnh thổ, hội đồng địa phương và các trường đại học công lập ký kết với các quốc gia khác.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Úc coi động thái này là “vô lý và có tính khiêu khích”. Đại sứ quán cho biết: “Quyết định này càng cho thấy chính phủ Úc không có sự chân thành trong việc cải thiện quan hệ Trung Quốc-Úc. Điều đó nhất định sẽ gây thêm thiệt hại cho quan hệ song phương, và cuối cùng sẽ chỉ làm tổn thương chính nước Úc”.

Đáp lại, Ngoại trưởng Úc Marise Payne đã bảo vệ quyết định của Chính phủ và cho biết bà không mong đợi Trung Quốc sẽ trả đũa thông qua các biện pháp như trừng phạt thương mại.

Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne tuyên bố huỷ bỏ bốn thoả của Victoria
Nguồn ảnh: ABC News | Nick Haggarty

Ngoại trưởng khẳng định: “Chính phủ Úc đang hành động vì lợi ích quốc gia và luôn hết sức thận trọng và cân nhắc trong cách tiếp cận đó. Đó là việc đảm bảo rằng nước Úc có một cách tiếp cận nhất quán đối với chính sách đối ngoại ở tất cả các cấp chính quyền và nó không liên quan đến bất kỳ quốc gia nào, chắc chắn không nhằm mục đích làm tổn hại đến mối quan hệ của Úc với bất kỳ quốc gia nào.”

Thượng nghị sĩ Payne ghi nhận tuyên bố của đại sứ quán Trung Quốc và cho biết thông tin tư vấn về quyết định này đã được gửi trước cho các nhà chức trách Trung Quốc ở Canberra và Bắc Kinh.

BRI là một mạng lưới khổng lồ các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ – bao gồm việc xây dựng các cảng mới, lắp đặt hệ thống ống dẫn, các công trình đường sắt và đường cao tốc – trải dài từ châu Á sang châu Âu. BRI đã gây tranh cãi kể từ khi thành lập, các ý kiến phản đối cho rằng Trung Quốc sẽ khiến các bên được hưởng lợi trở nên lệ thuộc với mình thông qua hình thức ngoại giao bẫy nợ. Trong khi đó, Trung Quốc cũng không hề che giấu tham vọng trở thành bá chủ thế giới thông qua BRI.

Thủ hiến Daniel Andrews đã ký thỏa thuận tăng cường sự tham gia của chính quyền bang vào BRI năm 2019
Nguồn ảnh: Đại sứ quán Trung Quốc

Úc ngày càng lo ngại nguy cơ bị lợi dụng như một phương tiện để Trung Quốc củng cố ảnh hưởng và lợi ích thương mại trên một vùng rộng lớn trên toàn cầu.

Các thỏa thuận BRI của Victoria không cam kết ràng buộc chính quyền tiểu bang với dự án cụ thể nào và không ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, giới chức liên bang cho rằng các thỏa thuận này cho phép Chính phủ Trung Quốc chia rẽ sự đồng thuận trong nội bộ nước Úc về BRI, và giúp Bắc Kinh dễ dàng chiếm ưu thế trong quan hệ công chúng. Bên cạnh đó, nó có thể làm giảm nỗ lực của Úc trong việc đề nghị các quốc gia khác trong khu vực phải thận trọng trước khi ký kết các thỏa thuận đầu tư theo BRI, chưa kể giới chức liên bang cũng không được xem phiên bản cuối cùng của thỏa thuận trước khi chính quyền Victoria ký với Trung Quốc.

Các thoả thuận giữa bang Victoria với Iran và Syria cũng bị hủy bỏ

Khi chính phủ liên bang ban hành luật phủ quyết vào năm ngoái, Thủ tướng Scott Morrison đã phủ nhận sự ra đời các điều luật này là chủ yếu nhằm vào thỏa thuận BRI của Victoria với Trung Quốc. Tuy nhiên, hai thỏa thuận khác cũng bị huỷ bỏ đều tương đối mù mờ. Một là thỏa thuận giữa Sở Giáo dục và Đào tạo Victoria và một cơ quan chính phủ Iran, thỏa thuận còn lại chỉ là Biên bản ghi nhớ ký từ năm 1999 về khuyến khích hợp tác khoa học giữa Bộ Giáo dục Đại học Syria và Sở Giáo dục và Đào tạo Đại học Victoria.

Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne nhấn mạnh cả 4 thoả thuận mà chính quyền bang Victoria ký kết đều không phù hợp với chính sách đối ngoại của Úc hoặc bất lợi cho quan hệ đối ngoại của Úc.

Bà Payne cho biết Chính phủ liên bang đã xem xét kỹ lưỡng hơn 1.000 thỏa thuận ký kết với nước ngoài và sẽ còn tiếp tục xem xét các thỏa thuận khác.

Chính quyền Victoria không suy xuyển

Trước phán quyết của liên bang, một phát ngôn viên của chính quyền Victoria cho biết: “Đạo luật Quan hệ Đối ngoại hoàn toàn là vấn đề của chính phủ Khối thịnh vượng chung. Victoria sẽ tiếp tục nỗ lực để mang lại việc làm, cơ hội thương mại và kinh tế cho tiểu bang chúng tôi.”

Phía phe đối lập, bà Penny Wong – phụ trách ngoại giao, cho biết chính phủ liên bang cần giúp chính quyền địa phương ứng phó với các tác động tài chính trong bối cảnh mới. Bà Wong nhấn mạnh: “Khi yêu cầu Quốc hội thông qua Dự luật Quan hệ Đối ngoại vào năm ngoái, chính phủ của Thủ tướng Morrison khẳng định mình có trách nhiệm duy nhất đối với các mối quan hệ đối ngoại của Úc. Vậy thì đây chính là lúc để thực hiện hoá điều đó bằng cách đa dạng hóa thương mại và nền kinh tế”.

“Theo quan điểm của ông Scott Morrison, nước Úc đang phụ thuộc về thương mại vào Trung Quốc hơn bao giờ hết. Chính phủ giờ đây nên tham gia một cách xây dựng với các bang để quản lý tác động của những điều luật mới này.”

Thu Hà

 

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm