Việt Nam xếp thứ hai, Úc xếp thứ tám trên thế giới về năng lực quản lý khủng hoảng COVID-19

Thursday, 28/01/2021, 16:03 PM

Cơ sở nghiên cứu hàng đầu của Úc – Viện Lowy – đã công bố kết quả đánh giá năng lực ứng phó với virus Corona của gần 100 quốc gia, dựa trên phương thức so sánh mới thông qua các dữ liệu được thu thập. Theo đó, thể chế chính trị hay trình độ phát triển kinh tế không nói lên sự phân biệt ranh giới về năng lực ứng phó này.

Các nhà nghiên cứu của Viện Lowy đã theo dõi số ca nhiễm COVID-19 ở mỗi quốc gia, cũng như tỷ lệ tử vong và tỷ lệ xét nghiệm được công bố. Theo kết quả đánh giá, đứng đầu danh sách ứng phó tốt nhất với COVID-19 là New Zealand, tiếp theo là Việt Nam. Úc cũng có những động thái tích cực và được xếp hạng thứ tám trên thế giới.

Việt Nam xếp thứ hai về khả năng quản lý cuộc khủng hoảng do virus Corona.
Nguồn ảnh: AP | Hau Dinh

Trong khi đó, Hoa Kỳ đã chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch và xếp cuối bảng ở vị trí thứ 94. Indonesia và Ấn Độ cũng không mấy khả quan hơn, lần lượt xếp ở vị trí thứ 85 và 86.

Viện Lowy không đánh giá năng lực ứng phó của Trung Quốc đối với đại dịch, với lý do thiếu dữ liệu xét nghiệm công khai.

Theo nhà nghiên cứu Herve Lemahieu của Viện Lowy, các quốc gia có dân số dưới 10 triệu người tỏ ra nhanh nhạy hơn phần lớn các nước lớn hơn trong việc xử lý tình huống khẩn cấp về y tế. Một số quốc gia nhỏ – bao gồm Đảo Síp, Rwanda, Iceland và Latvia – lọt vào danh sách 10 quốc gia hàng đầu.

Ông Lemahieu khẳng định dữ liệu cũng bác bỏ quan điểm cho rằng các chế độ tập trung quyền lực có khả năng quản lý cuộc khủng hoảng hiệu quả hơn các nền dân chủ. Ông nói: “Các chế độ tập trung quyền lực khởi đầu tốt hơn – họ có thể huy động các nguồn lực kịp thời hơn và việc phong toả cũng được triển khai nhanh hơn. Nhưng để duy trì điều đó theo thời gian thì khó hơn đối với họ.

Top 10 quốc gia ứng phó tốt nhất với COVID-19

Thứ hạng Quốc gia
1 New Zealand
2 Việt Nam
3 Đài Loan
4 Thái Lan
5 Đảo Síp
6 Rwanda
7 Iceland
8 Úc
9 Latvia
10 Sri Lanka

Nguồn: Viện Lowy

Ngược lại, nhiều nền dân chủ ban đầu phản ứng kém với đại dịch, tiếp theo họ đã có những cải thiện đáng kể sau làn sóng COVID đầu tiên. Nhưng một số quốc gia dân chủ lớn – bao gồm Hoa Kỳ và Vương quốc Anh – sau đó đã không tận dụng được những bước tiến vì họ không áp dụng các biện pháp y tế đủ nghiêm ngặt.

Tốc độ lây lan virus Corona trên khắp thế giới
Nguồn: Trung tâm tài nguyên về Coronavirus Johns Hopkins – Dự án truy vết COVID, ABC

Ông Lemahieu cho biết, trong danh sách các quốc gia xếp hàng đầu, có cả các nền dân chủ tự do, các chế độ tập trung quyền lực và cả hỗn hợp, nhưng tất cả đều được hưởng lợi từ các thể chế hiệu quả. Ông kết luận: “Ranh giới phân chia trong năng lực ứng phó với khủng hoảng không thực sự nằm ở chế độ mà là liệu người dân có tin tưởng các nhà lãnh đạo của họ hay không và liệu các nhà lãnh đạo đó có vận hành một nhà nước có năng lực và hiệu quả hay không. Điều đó dường như có lợi cho các quốc gia có dân số nhỏ hơn, xã hội gắn kết hơn và các thể chế có năng lực hơn.”

Theo ông Lemahieu, các nước giàu hơn thường quản lý dịch bệnh hiệu quả hơn các nước nghèo, nhưng sau đó mất vị trí dẫn đầu vào cuối năm 2020 khi dịch bệnh tái bùng phát ở những nơi như Châu Âu và Bắc Mỹ.

Một trong những phát hiện đáng chú ý của nghiên cứu này là ít nhiều đã có một sân chơi bình đẳng giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển, bởi vì các biện pháp cần thiết để ngăn chặn virus không đòi hỏi công nghệ cao siêu.

Tuy nhiên có thể dự đoán rằng các nước nghèo hơn sẽ sớm mất vị thế vì họ sẽ phải nỗ lực rất lớn để có được vắc xin COVID-19 cho công dân của mình. Với sự phân bổ và tích trữ vắc-xin không đồng đều, các nước giàu sẽ có ưu thế quyết định trong các nỗ lực khắc phục khủng hoảng, điều đó có thể khiến các nước đang phát triển ngày càng tụt hậu trong khả năng ứng phó với dịch bệnh.

 

Thu Hà

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm