Toàn cảnh vụ việc lừa đảo thị thực liên quan đến người Trung Quốc gây chấn động nước Úc

Saturday, 09/03/2019, 16:37 PM

Hai công ty có liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bị cáo buộc từng giúp công dân quốc tịch Trung Quốc nhập cư trái phép vào Úc thông qua thị thực thường trú nhân theo diện chuyên viên cao cấp của tập đoàn được trả lương cao.

Theo tờ báo The Weekend Australian, các tài liệu của hai công ty này, bao gồm hợp đồng lao động, và tài liệu phê duyệt thị thực của Bộ Di trú liên quan đến một số công dân Trung Quốc cho thấy hai công ty này đã lạm dụng khe hở cho phép người nước ngoài hưởng thường trú nhân thông qua thị thực 186 do người tuyển dụng bảo lãnh, nếu họ được một công ty Úc tuyển dụng và làm ở vị trí được trả mức lương ít nhất là 180.000 đô-la. Khe hở này cũng cho phép người nước ngoài được bỏ qua các yêu cầu về tiếng Anh và xác minh kỹ năng nghề nghiệp.

Cả hai công ty tham gia vào hành vi lừa đảo thị thực này đều do người Trung Quốc điều hành, một là là Tập đoàn ASF – nằm trong danh sách các công ty niêm yết của Sở giao dịch chứng khoán Úc ASX và hai là Marine Parade Holdings – một công ty do nhà phát triển bất động sản Jian Zhong Yang điều hành.

Nhà phát triển bất động sản người Trung Quốc Jian Zhong Yang

Nguồn ảnh: theaustralian.com.au

Tập đoàn ASF, đã hoạt động với các văn phòng tại khu bến cảng ở Circular Quay tại Sydney trong hơn một thập kỷ mặc dù liên tục báo cáo các khoản lỗ hàng triệu đô-la. Tập đoàn này được cho là đã dựng lên các hợp đồng lao động với mức lương cao vọt là 182.000 đô-la cho ít nhất hai công dân Trung Quốc, giúp họ và bốn người khác được cấp thị thực thường trú ngay sau đó. Cụ thể, theo các hợp đồng lao động – dài 9 trang, được ký vào tháng 3 và tháng 4 năm 2013, ASF đã bổ nhiệm Yiming Du và Rongxin Han vào các vị trí “tổng giám đốc công ty” và “nhà quản lý kế hoạch và chính sách”. Tuy nhiên, với tư cách là một công ty niêm yết, tập đoàn ASF được yêu cầu về mặt pháp lý phải nộp danh sách tên và tiền lương của tất cả các nhân viên quản lý chủ chốt trong các báo cáo tài chính được kiểm toán của mình. Theo đó, cả ông Du và ông Han, tiền lương cũng như vai trò của họ đều không xuất hiện trong bất kỳ báo cáo tài chính được kiểm toán nào. Mức lương 182.000 đô-la mà họ được khai khống thậm chí còn cao hơn mức lương trả cho một vài người trong danh sách chín người được ASF liệt kê là “chuyên viên điều hành chủ chốt” của mình. Giám đốc điều hành Tập đoàn ASF, ông Louis Chien đã không trả lời khi được hỏi về vấn đề này. Ông Chien cho rằng báo chí đang khai thác những thông tin mật của công ty và bất kỳ hành vi vi phạm thông tin bí mật nào cũng sẽ bị xử lý theo pháp luật. Theo ông Chien, chỉ có ban giám đốc của Tập đoàn ASF mới có trách nhiệm lập kế hoạch, chỉ đạo và kiểm soát các hoạt động của Tập đoàn ASF.

Một thông tin khác liên quan đến ASF, tập đoàn này đã đàm phán độc quyền với chính quyền đảng Lao động bang Queensland để xây dựng một tòa tháp liên hợp sòng bạc, khách sạn, nhà ga hành hành khách phục vụ du thuyền và căn hộ trị giá 3 tỷ đô-la trong gần ba năm cho đến tháng 8 năm 2017 khi bị chính quyền bang từ chối thỏa thuận này. Vụ việc gây ra thiệt hại với khoản chi phí lên người nộp thuế tới hơn 12 triệu đô-la. Tờ The Weekend Australian tiết lộ các tài khoản của công ty cho thấy họ chỉ có 6 triệu đô-la tiền vốn, trong khi có hơn 92 triệu đô-la thua lỗ và rất nguy cơ sụp đổ. Công ty này cũng không cho biết ai sẽ là nhà tài trợ cuối cùng được đề xuất cho dự án trị giá 3 tỷ đô-la mà chỉ trả lời đã dành một số tiền lớn để đầu tư.

Các thị thực được cấp cho doanh nhân Trung Quốc đã bị kiểm tra từ cuối năm ngoái khi nhà tài trợ chính trị Huang Xiangmo bị từ chối hồ sơ nhập tịch và hủy thị thực cư trú, khiến ông này không thể trở về Úc. Ông Huang Xiangmo đã từng sống ở Sydney và là chủ tịch của Tập đoàn Yuhu, đơn vị đang phát triển dự án căn hộ ba tòa tháp Jewel trị giá 1,4 tỷ đô-la tại Surfers Paradise.

Cũng theo thông tin của tờ The Weekend Australian, công ty phát triển bất động sản tư nhân có đăng ký tại Úc, Marine Parade Holdings, do ông Yang sở hữu và điều hành, đã lấy được thị thực thường trú nhân cho hai công dân Trung Quốc mà họ tuyên bố đã tuyển dụng. Cả hai đều được gắn mác “tổng giám đốc của công ty”, với mức lương 185.000 đô-la. Hồ sơ xin thường trú nhân mà công ty làm cho hai nhân viên cao cấp này được nộp chỉ trong 5 tuần từ khi ký hợp đồng trong năm 2014. Tại thời điểm đó, Marine Parade Holdings chỉ có năm nhân viên khác. Hai chuyên viên cấp cao hiện tại của công ty này, một là “giám đốc / trợ lý marketing”, ông Kaiyuan Yang, người được cho là có họ hàng với ông Yang, và người thứ hai là Ran Pang, “trợ lý tài chính”, mỗi người chỉ nhận mức lương hàng năm là 45.767 đô-la – bằng một phần tư con số 185.000 đô-la trả cho hai nhân viên mới.

Một trong hai vị nhân viên mới bị cáo buộc trong vụ việc này là Xiaohua An, 54 tuổi. Theo các tài liệu từ Bộ Di trú, hồ sơ xin thị thực của ông này đã bị Bộ từ chối vào tháng 8 năm 2014 vì “không đáp ứng đầy đủ tiêu chí” theo diện nhà tuyển dụng bảo lãnh. Điều này đã xét đến thực tế là quy mô của Marine Parade Holdings quá nhỏ và không cần đến một “tổng giám đốc được trả lương toàn thời gian”. Ông An cũng không đáp ứng được yêu cầu ban đầu là đã có thị thực lao động tạm thời diện tay nghề 457.

Vài tuần sau đó, vào ngày 24 tháng 9, ông An được cấp thị thực thường trú nhân!

Vào ngày 12 tháng 9, vị tổng giám đốc mới còn lại mà Marine Parade Holdings vừa tuyển dụng – ông Guiying Jia – cũng được cấp thị thực thường trú nhân.

Bốn người nữa đi cùng với hai “chuyên viên cao cấp này”, được hiểu là vợ và người phụ thuộc, cũng được cấp thị thực thường trú. Ông Yang từ chối trả lời các câu hỏi bằng văn bản liên quan đến các hồ sơ xin thị thực này và “các nhân viên” của Marine Parade vì đây là vấn đề “quyền riêng tư”.

Ông Yang đã gây chú ý vào năm 2014 khi phát triển tòa tháp cao cấp Sanbano 25 tầng trị giá 85 triệu đô-la trên danh nghĩa công ty Marine Parade ở Coolangatta trên thuộc Cold Coast. Các căn hộ thuộc tòa tháp này được bán với giá khởi điểm trên 2 triệu đô-la. Năm ngoái, ông Yang đã nắm quyền kiểm soát Kaili Resources, một công ty khai thác mỏ khai thác gần như vô giá trị, có tên trong danh sách niêm yết của ASX, với tài sản duy nhất là vài căn chung cư ở Tây Úc và Queensland. Công ty Kaili Resources được thành lập tại khu ưu đãi thuế của Bermuda. Cổ đông lớn của Kaili Resources là một tổ chức có tên là Treasure Unicorn Limited, do công ty Mongolia Yitai Investment kiểm soát. Đây là một công ty than của Trung Quốc, có niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông và Thượng Hải, là một chi nhánh thuộc quản lý của Đảng Cộng sản Trung Quốc. (Theo báo cáo thường niên năm 2015, Mongolia Yitai Investment tuyên bố rằng một trong bốn nguyên tắc hoạt động của mình là “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với doanh nghiệp”)

Giống như Tập đoàn ASF, Kaili Resources đã liên tục chuyển lỗ cho các cổ đông, báo cáo khoản lỗ 712.107 đô-la trong năm tài chính năm ngoái và khoản lỗ 625.320 đô-la trong năm trước đó. Người phát ngôn của Kaili Resources không trả lời các câu hỏi về cáo buộc lừa đảo thị thực, nhưng phủ nhận mọi hành vi sai trái và cho biết công ty không có liên kết dưới bất kỳ hình thức nào với Tập đoàn ASF.

Tuy nhiên, Kaili Resources và Tập đoàn ASF có mối liên hệ chặt chẽ với nhau: họ có các giám đốc chung và Kaili Resources sở hữu 100% cổ phẩn tại một công ty con có tên là ASF Kaili Resource Pty Ltd. Ngoài ra Kaili Resources cũng từng hoạt động từ các văn phòng tại Circular Quay của Tập đoàn ASF.

Nguồn: Tổng hợp

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm