Các quốc gia trên thế giới đang làm gì trong tiến trình bình thường hóa lưu thông quốc tế?

Thursday, 01/10/2020, 13:50 PM

Lần đầu tiên kể từ cuối tháng 3, những người Úc trở về từ nước ngoài có thể sẽ không phải trải qua thời gian cách ly bắt buộc tại khách sạn. Các quốc gia khác nhau đang đặt ra những quy tắc rất khác nhau liên quan đến lưu thông quốc tế, nhưng hầu hết đều liên quan đến xếp loại theo các kiểu danh sách.

Vào thứ Ba vừa qua, Thủ tướng Scott Morrison cho biết Chính phủ liên bang đang cân nhắc việc cho phép hành khách đến từ các quốc gia “an toàn” được chọn hình thức tự cách ly tại nhà sau khi nhập cảnh. Một số chuyên gia về virus Corona đã ủng hộ một cách thận trọng kế hoạch này của Thủ tướng.

Hầu hết các quốc gia đều xây dựng danh sách những địa điểm cho phép hay hạn chế lưu thông quốc tế.
Nguồn ảnh: AP: David J Phillip

Chính phủ đã dự kiến ưu tiên thí điểm đối với các chuyến di chuyển từ New Zealand trước cuối năm nay, theo đó hành khách từ New Zealand sẽ được nhập cảnh vào Úc mà không phải trải qua bất kỳ hình thức cách ly nào.

Ông Morrison cũng đề cập đến Đan Mạch như một ví dụ thực tiễn về quốc gia đã cho phép một số hành khách nhập cảnh mà không cần qua cách ly. Một số quốc gia khác, trong đó có cả Vương quốc Anh và Singapore, cũng có những sắp xếp tương tự, khi họ thực hiện các bước hướng tới bình thường hóa lưu thông quốc tế.

Dưới đây là cách mà một số quốc gia khác đang thực hiện để cho phép hoạt động lưu thông quốc tế

Đan Mạch

Đan Mạch đã giảm bớt các hạn chế và cho phép du khách từ một số quốc gia trong danh sách mở nhập cảnh tự do.
Nguồn ảnh: Reuters: Ritzau Scanpix / Olafur Steinar Rye Gestsson

Ở Đan Mạch, các quốc gia được xếp loại trong danh sách hoặc là “mở” hoặc là “cấm”. Người đến từ các quốc gia thuộc danh sách mở có thể nhập cảnh vào Đan Mạch vì bất kỳ lý do gì mà không cần qua cách ly bắt buộc. Người đến từ các quốc gia thuộc danh sách  cấm chỉ được phép nhập cảnh nếu họ có “mục đích chính đáng”, và khi tới họ sẽ thực hiện tự cách ly.

Từ ngày 27 tháng 6, Đan Mạch đã mở lại biên giới quốc gia cho khách du lịch quốc tế đến từ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), ngoại trừ Thụy Điển và Bồ Đào Nha – những nơi mà số trường hợp nhiễm COVID-19 vẫn được coi là quá cao.

Danh sách các quốc gia “an toàn” sau đó được mở rộng cho Bồ Đào Nha và một số quốc gia bên ngoài EU, bao gồm Úc, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Thái Lan và Tunisia. Tuy nhiên, danh sách này có thể thay đổi tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh ở mỗi quốc gia. Chẳng hạn các quốc gia trước đây được xếp vào danh sách mở như Bỉ, Croatia, Vương quốc Anh và Pháp, nay đã nằm trong danh sách cấm.

Vương quốc Anh

Hành khách đến từ các quốc gia không thuộc danh sách “hành lang du lịch” của Vương quốc Anh phải tự cách ly tại một địa điểm được chỉ định trong 14 ngày.
Nguồn ảnh: Reuters: Simon Dawson

Du khách từ các quốc gia thuộc danh sách “hành lang du lịch” của Vương quốc Anh không cần phải tự cách ly 14 ngày khi đến. Danh sách này bao gồm hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ và khu vực, trong đó có Úc, Fiji và Malaysia.

Bất kỳ chuyến nhập cảnh nào từ các quốc gia không nằm trong danh sách hành lang du lịch, hoặc quá cảnh ở các quốc gia đó, thì hành khách phải tự cách ly tại địa chỉ được chỉ định trong 14 ngày, hoặc chịu khoản tiền phạt 1.000 bảng Anh (tương đương 1,810 đô-la).

Danh sách liên tục được xem xét và các yêu cầu đóng cửa biên giới hoặc tự cô lập có thể được triển khai lại nếu tình hình lây nhiễm COVID trở nên trầm trọng hơn.

Thứ Bảy tuần trước, Curacao, Đan Mạch, Iceland và Slovakia đã bị loại khỏi danh sách hành lang du lịch, trong khi Singapore và Thái Lan được thêm vào. Tuy nhiên những sự thay đổi tùy biến của danh sách hành lang du lịch trong một số trường hợp đã gây ra xáo trộn. Ví dụ, việc loại bỏ Bồ Đào Nha – một địa điểm du lịch nổi tiếng – khỏi danh sách, chưa đầy ba tuần sau khi tên quốc gia này được thêm vào, đã gặp phải những phản ứng tiêu cực, đặc biệt trong số những người Anh đi nghỉ ở Bồ Đào Nha, họ đã phải vội vàng rời thời gian chuyến bay khứ hồi về Vương quốc Anh sớm hơn dự kiến.

Hoa Kỳ

Hoa Kỳ cấm hành khách đến từ một số quốc gia nhất định, như Anh và Trung Quốc, tuy nhiên người đến từ hầu hết các nơi chỉ được yêu cầu tự cách ly “trong mức độ có thể”.
Nguồn ảnh: Reuters: Kevin Lamarque

Những hành khách đã đến Trung Quốc, Iran, Vương quốc Anh, các nước thuộc khối EU Schengen, Ireland hoặc Brazil trong 14 ngày trước khi đến Hoa Kỳ sẽ bị cấm nhập cảnh, trừ khi họ là công dân Mỹ, thường trú nhân hoặc có các tình tiết giảm nhẹ.

Gần đây nhất là một vài tuần trước, Mỹ đã yêu cầu tất cả các chuyến bay quốc tế đến phải hạ cánh tại một trong 15 sân bay được chỉ định, với việc tăng cường kiểm tra y tế tại chỗ cho hành khách. Tuy nhiên, các quy định được đưa ra vào đầu tháng 9 cũng cho phép những hành khách không đến bất kỳ quốc gia nào trong danh sách cấm trong hai tuần trước thời điểm đến Mỹ, từ giờ có thể nhập cảnh tại bất kỳ sân bay nào và chỉ được khuyến nghị tự giám sát và ở nhà “trong mức độ có thể” trong 14 ngày.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ đã phân loại các điểm đến du lịch quốc tế thành 4 cấp độ: nguy cơ COVID-19 “rất thấp”, “thấp”, “trung bình” và “cao”. Đại đa số các quốc gia, trong đó có Úc, hiện đang ở mức “nguy cơ cao”, 5 quốc gia được coi là “trung bình” và chỉ Campuchia, Thailand, New Zealand và St Barts được coi là “nguy cơ thấp”.

Nhật Bản

Trong một thời gian, Nhật Bản thậm chí từng cấm thường trú nhân từ nước ngoài trở về. Nguồn ảnh: Reuters / Kyodo

Nhật Bản đã ban hành lệnh cấm tái nhập cảnh nghiêm ngặt đối với những công dân nước ngoài đã rời đi trước giai đoạn khẩn cấp của quốc gia vào tháng 4, khiến nước này trở thành quốc gia G7 duy nhất có quy định phân biệt giữa công dân và thường trú nhân.

Về sau, Nhật Bản đã mở lại biên giới cho một số thường trú nhân và cư dân lưu trú dài hạn vào tháng 7, trước khi nới lỏng thêm các hạn chế vào đầu tháng 9 để cho phép tất cả công dân nước ngoài có cư trú trở lại Nhật Bản.

Tuy nhiên, những công dân nước ngoài đã đi qua một trong số 159 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện nằm trong danh sách cấm của Nhật Bản trong vòng 14 ngày kể từ ngày đến Nhật vẫn bị cấm, trừ những trường hợp “ngoại lệ”, chẳng hạn như trường hợp khẩn cấp về y tế hoặc dự đám tang của một người thân.

Công dân Nhật trở về từ bất kỳ quốc gia cấm nhập cảnh nào vẫn có thể nhập cảnh vào Nhật Bản, nhưng phải trải qua xét nghiệm virus Corona khi đến, thực hiện cách ly trong 14 ngày tại một địa điểm được chỉ định bởi nhà chức trách y tế và tránh tất cả các phương tiện giao thông công cộng.

Gần đây, Chính phủ Nhật Bản cũng đã thông báo sẽ bắt đầu cho phép du học sinh nhập học vào khoảng tháng 10, nhưng vẫn chưa có kế hoạch chào đón khách du lịch trong thời gian tới.

Singapore

Singapore yêu cầu kiểm tra nhiệt độ đối với khách đến các tòa nhà công cộng ngay từ đầu trong cuộc chiến chống COVID-19.
Nguồn ảnh: AP: Ee Ming To

Tại Singapore, một thỏa thuận song phương với Malaysia đã được ký kết, cho phép cư dân của cả hai quốc gia có thẻ nhập cư dài hạn có thể qua lại và một “làn đường xanh song phương” đã tạo điểu kiện cho việc di chuyển xuyên biên giới phục vụ các hoạt động kinh doanh thiết yếu.

“Làn đường xanh” cũng đã được thiết lập giữa Singapore với Trung Quốc, với Nhật Bản và với Hàn Quốc, các điều khoản có khác nhau đôi chút với từng quốc gia.

Người Nhật Bản và Hàn Quốc phải tuân thủ một hành trình có kiểm soát trong 14 ngày đầu tiên ở Singapore và người Trung Quốc chỉ được nhập cảnh nếu đến từ sáu tỉnh cụ thể được chỉ định.

Hoạt động giao thông thông thường đến và đi từ Brunei và New Zealand cũng được cho phép nhưng có kèm theo các điều kiện, chẳng hạn như khi đến Singapore, hành khách phải trải qua xét nghiệm virus Corona. Ngoài ra, hành khách đến từ các nước có tình hình dịch COVID nghiêm trọng hơn cũng có thể được nhập cảnh, nhưng phải tuân thủ cách ly bắt buộc tại cơ sở do Chính phủ chỉ định.

(Thu Hà)

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm