Chuyên gia lo ngại phương tiện không người lái gia tăng ở Biển Đông

Saturday, 10/11/2018, 15:05 PM

Một số vấn đề mới nổi có thể ảnh hưởng tới an ninh, trật tự tại Biển Đông đã được hội thảo tại Đà Nẵng phân tích.

Chiều 9/11, Hội thảo quốc tế lần thứ 10 về Biển Đông đã bế mạc tại Đà Nẵng. Qua hai ngày với sự tham gia của gần 200 học giả trong nước và quốc tế, hội thảo đã có 36 bài tham luận cùng hơn 200 lượt trao đổi.

Các đại biểu nhất trí về vị trí địa chính trị chiến lược của Biển Đông này, kiến nghị giải pháp xây dựng lòng tin, kiểm soát và giải quyết từng bước tranh chấp để duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực này.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc các nước tăng cường xây dựng lực lượng và quân sự hóa Biển Đông là nguy cơ bất ổn lớn nhất hiện nay và việc này đang diễn ra nhanh chóng, không chỉ bởi sự hiện diện lực lượng trên mặt biển mà cả dưới đáy biển và trên không.

Một số đại biểu bày tỏ lo ngại việc mở rộng triển khai các cơ sở lưỡng dụng dưới danh nghĩa công trình dân sự, như đài khí tượng ở Biển Đông…

Những vấn đề mới nổi có thể ảnh hưởng tới an ninh và trật tự tại khu vực này cũng được hội thảo phân tích. Trong đó, ngoài cạnh tranh tài nguyên biển, như nguồn cá và khai thác tài nguyên dầu khí, thì việc các phương tiện không người lái được sử dụng ngày càng nhiều đang làm dấy lên tranh cãi pháp lý mới.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo. Ảnh: Nguyễn Đông.

Trong bài tham luận của mình, tiến sĩ Swee Lean Colin Koh (nghiên cứu viên chương trình an ninh biển, Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore), cho rằng hoạt động thu thập thông tin tình báo, giám sát và trinh sát là lĩnh vực ít được quan tâm khi so sánh với những hoạt động bề nổi khác trong quá trình xây dựng lực lượng ở Biển Đông. Nhưng, ông nhận định, tầm quan trọng của hoạt động này là điều không phải bàn cãi.

Theo ông, giá cho thiết bị không người lái là tương đối đắt đỏ song nhiều quốc gia đã chú trọng đến phương tiện này. Trong đó, sau nhiều năm thực hiện chương trình toàn diện, Trung Quốc đã ở vị trí đứng đầu tuyệt đối trong lĩnh vực giám sát biển sử dụng các thiết bị không người lái.

Tiến sĩ Swee Lean Colin Koh cho rằng, trong khu vực Đông Nam Á, nếu một nước không có “tai mắt” cần thiết để thực hiện giám sát trên biển 24/24, khi gặp tình huống cần triển khai hoạt động chấp pháp trên biển thì sẽ gặp khó khăn nhất định trong việc nhận biết đâu là khu vực cần tập trung luân chuyển trang thiết bị.

“Chúng ta không chỉ chứng kiến máy bay không người lái từ các quốc gia ngoài khu vực bay qua không phận Biển Đông, mà còn có thể sẽ thấy quốc gia có yêu sách ở đây tìm cách làm điều tương tự. Và có lẽ họ sẽ không hài lòng khi những quốc gia khác tìm cách đối phó”, tiến sĩ Swee Lean Colin Koh nói.

Học giả Việt Nam và quốc tế trao đổi trong giờ giải lao của hội thảo. Ảnh: Nguyễn Đông.

Nhiều chuyên gia lo ngại, việc thiếu vắng các chuẩn mực quốc tế trong sử dụng thiết bị công nghệ nêu trên sẽ góp phần làm gia tăng nguy cơ gây xung đột ở Biển Đông thời gian tới. Hồi tháng 12/2016, Hải quân Trung Quốc tịch thu thiết bị lặn không người lái của Mỹ trong vùng biển ngoài khơi Philippines là một ví dụ.

Trao đổi bên lề, thạc sĩ Hoàng Việt (thuộc Quỹ nghiên cứu Biển Đông và Ban Nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo, Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cho biết, tại hội thảo, một số học giả Trung Quốc nêu ý kiến việc Mỹ tăng cường tuần tra trên Biển Đông đang làm cho khu vực trở nên căng thẳng, và phía Trung Quốc phải phản ứng lại bằng việc bồi lấp các đảo để biến thành căn cứ quân sự.

“Nhiều học giả quốc tế và Việt Nam đã bác bỏ lập luận này, vì việc bồi lấp các đảo là vi phạm luật pháp quốc tế”, ông Hoàng Việt nói và nhấn mạnh quan điểm trên của các học giả Trung Quốc chỉ là thiểu số trong hội thảo. 

Phát biểu bế mạc, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng (Giám đốc Học viện Ngoại giao) nhấn mạnh sau 10 năm tổ chức, Hội thảo đã chứng tỏ tầm quan trọng, thể hiện tính lan tỏa trong tăng cường nhận thức vấn đề Biển Đông.

Ngoài đa số các điểm đã đạt được đồng thuận, việc còn tồn tại những khác biệt trong đánh giá càng cho thấy yêu cầu tiếp tục chuỗi hội thảo quốc tế trong những năm tới. 

Theo ông, các học giả đã thảo luận với niềm tin ngày càng lớn hơn về một hệ thống dựa trên luật lệ; nhiều khía cạnh pháp lý trở nên rõ ràng hơn và ý kiến trao đổi đều có nhận thức chung rằng luật pháp quốc tế phải được tôn trọng và thực thi đầy đủ.

“Cộng đồng quốc tế sẽ không thể chấp nhận việc bất kỳ nước nào đề cao lợi ích của quốc gia mình mà không tuân thủ luật pháp quốc tế”, ông nói.

Bên cạnh việc hướng tới Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông COC, nhiều học giả cho rằng các nước ASEAN cũng có thể chủ động đề xuất sáng kiến xây dựng các quy tắc ứng xử khác, như: Quy tắc ứng xử phòng, chống va chạm không mong muốn trên không; hoặc chuẩn mực xử lý vấn đề rác thải nhựa ra biển.

Trước việc một số nước có cách diễn giải khác nhau về Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), không nhất trí và tuân thủ Phán quyết của Tòa trọng tài, một số học giả gợi ý ASEAN chủ trì việc mời các nước lớn đối thoại để thống nhất cách giải thích và áp dụng Công ước.

Theo Vnexpress.net

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm