Công nhân ngành gỗ mất việc hàng loạt khi Trung Quốc mở rộng lệnh cấm đối với lâm sản Úc

Wednesday, 30/12/2020, 14:06 PM

Theo các nhà lãnh đạo ngành Lâm nghiệp, hàng trăm việc làm đã bị mất khi Trung Quốc ban hành các lệnh cấm không khoan nhượng đối với xuất khẩu gỗ của Úc.

Có tới 150 nhân công ngành gỗ – gồm các công nhân khai thác và người điều khiển xe tải – hiện không có việc làm ở vùng Tam giác xanh của Nam Úc, một trong những khu vực sản xuất gỗ lớn của quốc gia, và 100 việc làm đã bị mất ở Tasmania.

Tình trạng mất việc làm đã được xác nhận khi Trung Quốc mở rộng lệnh cấm nhập khẩu gỗ từ Úc, theo đó danh sách cấm được bổ sung thêm các sản phẩm từ New South Wales và Tây Úc.

Lệnh cấm nhập khẩu gỗ từ Úc của Trung Quốc ngay lập tức làm gia tăng thất nghiệp trong ngành lâm nghiệp Úc
Nguồn ảnh: OneFortyOne

Các nhà chức trách Trung Quốc lần đầu tiên áp đặt lệnh cấm đối với gỗ khúc làm bột giấy từ Queensland, Nam Úc, Victoria và Tasmania sau khi thông báo một loài sâu bọ gây hại gọi là bọ vỏ cây được tìm thấy trong một chuyến hàng.

Ngành Lâm nghiệp Úc phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc

Quan hệ thương mại Úc – Trung đã trở nên căng thẳng khi Trung Quốc ra những đòn tấn công đầu tiên vào thị trường xuất khẩu của Úc vào tháng 5, với việc áp dụng mức thuế cao tới 80% đối với lúa mạch nhập khẩu từ Úc. Tiếp đó, các ngành công nghiệp than, quặng đồng và tinh quặng, đường, rượu và tôm hùm của Úc cũng chịu số phận tương tự.

Ông Ross Hampton, thuộc Hiệp hội Lâm sản Úc (AFPA), cho biết 150 nhân công ngành gỗ ở Nam Úc đã mất việc làm, đây là một ngành công nghiệp trị giá 24 tỷ đô-la và nếu các lệnh cấm không được dỡ bỏ, hàng ngàn công việc trên toàn quốc có thể biến mất.

Liên đoàn Xây dựng, Lâm nghiệp, Hàng hải, Khai thác và Năng lượng (CFMEU) trước đó cũng đã cảnh báo về tình trạng mất việc làm nghiêm trọng. Ngành Lâm nghiệp ước tính sẽ có khoảng 1.000 người lao động bị mất việc làm, chỉ riêng trong khu vực Tam giác xanh, bao gồm Tây Victoria và Đông Nam của Nam Úc, tính tới tháng 3 năm 2021 nếu lệnh cấm tiếp tục được duy trì.

Theo ông Hampton, các đội khai thác gỗ đã dự trữ một khối lượng lớn gỗ làm bột giấy, nhưng do không xuất kho đi được nên đã cản trở toàn bộ hoạt động khai thác và xuất khẩu. Khi không thể di chuyển gỗ dự trữ đi nơi khác, tốc độ khai thác sẽ phải giảm xuống hoặc thậm chí có khả năng ngừng hoạt động.

Với bang Tasmania, ngành công nghiệp gỗ cũng phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc và cũng đang chịu áp lực từ lập trường cứng rắn của Trung Quốc đối với gỗ Úc.

Hầu hết gỗ khúc tròn có giá trị thấp của Úc được xuất khẩu sang Trung Quốc
Nguồn ảnh: Hiệp hội Các nhà chế biến gỗ Nam Úc

Gỗ tròn làm bột giấy là loại gỗ cấp thấp được xuất khẩu dưới dạng gỗ khúc. Loại này thường được sử dụng ở Trung Quốc để chế tạo năng lượng sinh học, bảng điều khiển nhà bếp và làm giấy hoặc bột giấy.

Trung Quốc chiếm 95% thị trường xuất khẩu gỗ của Úc, phần lớn thông qua cửa khẩu Portland ở phía tây nam Victoria, nhưng khoảng 20% ​​sản lượng gỗ này có thể được sử dụng để chế biến ở Úc nếu Úc đổi mới dây chuyền chế biến trong nước.

Ông Rob de Fegely, chuyên gia tư vấn tại Công ty tư vấn Marhules Groome, cho biết nếu điều đó xảy ra, lệnh cấm của Trung Quốc đối với gỗ Úc có thể phản tác dụng. Trung Quốc nên cẩn thận vì ngành công nghiệp gỗ của Úc có thể thiếu hụt sản lượng sau các vụ cháy rừng, và nếu các khúc gỗ mềm được chế biến tại Úc, Trung Quốc sẽ phải trả nhiều tiền hơn.

Xây dựng các nhà máy chế biến gỗ trong nước – hướng đi tiềm năng cho ngành lâm nghiệp Úc

Chính phủ Liên bang đã cung cấp 70 triệu đô-la cho ngành Lâm nghiệp để tìm thị trường mới, nhưng theo AFPA, do Trung Quốc là khách hàng mua gỗ làm bột giấy chính trên thị trường toàn cầu nên hướng đi này không có khả năng thành công. Ông Hampton cho rằng Chính phủ Liên bang nên tập trung hỗ trợ nhiều hơn vào khâu chế biến trong nước, bằng cách xây dựng một nhà máy sản xuất bột giấy mới hoặc một nhà máy chế biến vật liệu thay thế nhựa. Ý tưởng này đang được Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư, Dan Tehan, xem xét.

Liên quan đến nghi ngại về động cơ chính trị đứng phía sau các lệnh trừng phạt thương mại, Giám đốc điều hành Liên đoàn Lâm nghiệp Tây Úc, bà Melissa Haslam, cho biết ngành lâm nghiệp không muốn đưa ra những suy đoán thiếu căn cứ. Bà khẳng định rằng các khúc gỗ đều được xử lý trước khi xuất khỏi Tây Úc nhưng cũng không phải là không thể khi vẫn tồn tại các loại bọ hoặc sâu bệnh nằm phía dưới vỏ các khúc gỗ chưa bị tiêu diệt sau quy trình xử lý. Việc suy đoán là không cần thiết, quan trọng là những lo ngại về kiểm dịch được có được giải quyết hay không.

Bà Haslam cũng chia sẻ ngành công nghiệp gỗ Tây Úc khá “may mắn” vì thị trường Trung Quốc chỉ chiếm 50.000 tấn gỗ xuất khẩu hàng năm của bang. Ở Tây Úc có các cơ sở chế biến địa phương nên có thể xử lý tại chỗ phần lớn trữ lượng gỗ. Lệnh cấm thương mại chính thức có hiệu lực từ thứ Tư tuần trước nhưng trước đó vài tuần các nhà cung cấp ở Tây Úc đã dự đoán có sự gián đoạn và đã có sự chuẩn bị sẵn sàng bằng cách giảm khối lượng xuất khẩu.

Giang Vũ

 

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm