Ngân hàng Trung ương Úc xem xét nới lỏng cung ứng tiền tệ

Sunday, 23/06/2019, 06:00 AM

Các nhà kinh tế cho rằng chính sách in tiền quy mô lớn của Ngân hàng Trung ương Úc (RBA) hiện đang được xem xét triển khai, tuy nhiên vấn đề này cần được đưa ra thảo luận cởi mở hơn.
Theo Giám đốc chương trình của Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ, ông Stephen Kirchner, RBA cần bắt đầu chuẩn bị tâm lý cho công chúng. Trung tâm của ông Kirchner, có trụ sở đặt tại Đại học Sydney, đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về việc sử dụng công cụ in tiền ở Hoa Kỳ và cho rằng Úc có thể hưởng lợi từ những bài học của Hoa Kỳ.

Liệu in thêm tiền có giải quyết được các vấn đề của RBA?
Nguồn ảnh: ABC News | Tristan Hooft

Chính RBA đã đề cập đến khả năng lựa chọn chính sách nới lỏng cơ số tiền nếu việc cắt giảm lãi suất không mang lại tác dụng mong muốn trong việc đưa lạm phát tăng trở lại và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Vậy, “nới lỏng cơ số tiền” hay còn gọi thông dụng là “in tiền” có nghĩa là gì?
Cũng giống với một cơ sở kinh doanh, tài sản của Ngân hàng Trung ương được liệt kê trên bảng cân đối kế toán, bao gồm tiền mặt. Nếu thực hiện việc nới lỏng cơ số tiền, Ngân hàng Trung ương sẽ dùng các khoản tiền mặt này để mua trái phiếu từ Chính phủ hoặc từ khu vực tư nhân, làm tăng lượng cung ứng tiền tệ trong toàn nền kinh tế. Sự gia tăng cung tiền sẽ dẫn đến tác động hạ lãi suất vì việc mua trái phiếu quy mô lớn sẽ đẩy giá trái phiếu tăng lên và lợi nhuận từ trái phiếu (hay lãi suất trái phiếu) giảm đi.
Những mức lãi suất thấp hơn như vậy sẽ gây ảnh hưởng tới các bộ phận khác của nền kinh tế và từ đó có thể giảm chi phí cho các khoản vay và thế chấp kinh doanh.
Tiến sĩ Kirchner cho rằng việc nới lỏng cơ số tiền không phải là “giải pháp cuối cùng” như quan điểm của nhiều người. Theo ông, nó là “phát súng trong tay” mà nền kinh tế Úc cần thực hiện lúc này. “Không có gì đặc biệt hoặc bất thường về việc nới lỏng cơ số tiền. Đó chỉ là một sự thay đổi trong công cụ điều hành chính sách tiền tệ từ việc sử dụng công cụ lãi suất tiền mặt chính thức (lãi suất liên ngân hàng) sang việc mua bán tài sản”.
Tuyên truyền chính sách là việc quan trọng cần làm
Chuyên gia kinh tế của JP Morgan, bà Sally Auld, ủng hộ quan điểm của Tiến sĩ Kirchner về việc Ngân hàng Trung ương Úc nên bắt đầu công khai xây dựng kế hoạch cho việc nới lỏng cơ số tiền, vì công cụ này thường bị các nhà kinh tế e ngại. “Ngân hàng cần phải tỏ rõ quan điểm và giải thích chính xác về công cụ tiền tệ này, nó sẽ hoạt động như thế nào và tại sao RBA nghĩ nó sẽ có lợi cho nền kinh tế”.
Mặc dù vậy, bà Auld cảnh báo rằng trước khi RBA đẩy mạnh hoạt động mua bán trái phiếu, cần cho Chính phủ thời gian để đáp ứng những đề nghị gần đây về hỗ trợ phát triển kinh tế. Cụ thể, vào tháng 5 vừa qua, Thống đốc RBA, ông Philip Lowe, đã nói với một nhóm các nhà kinh tế ở Brisbane rằng nền kinh tế có thể sử dụng chính sách tài khóa mở rộng, bao gồm việc thông qua các khoản chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. “Sau khi đã thực hiện chính sách này mà vẫn cần tác động nhiều hơn thì mới sử dụng đến công cụ nới lỏng cơ số tiền”, ông Philip Lowe nói.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Kirchner lại bác bỏ quan điểm tăng chi tiêu chính phủ sẽ giúp ích cho nền kinh tế. “Chính sách tài khóa vẫn có vai trò riêng và vai trò đó là đảm bảo chúng ta có những động lực tốt để lao động, tiết kiệm và đầu tư. Nhưng về mặt quản lý nhu cầu trong nền kinh tế thì chính sách tiền tệ mới cho thấy hiệu quả cao nhất”.
“Đây là một chính sách rất nhạy cảm”
Các nhà phân tích của Hãng kiểm toán toàn cầu KPMG đồng quan điểm với Trung tâm nghiên cứu Hoa Kỳ và JP Morgan. Họ cho rằng Ngân hàng Trung ương Úc sẽ thực hiện việc in tiền khi bốn ngân hàng lớn ngừng chuyển giao lợi ích của việc cắt giảm lãi suất tiền mặt chính thức. Tuy nhiên sẽ là sai lầm nếu RBA thực thi chính sách thiếu kiềm chế.

Nhiều người tin rằng vấn đề là khi nào RBA sẽ thực hiện việc nới lỏng cơ số tiền chứ không phải họ có làm điều đó hay không
Nguồn ảnh: Reuters | David Gray

“Thực tế đây không phải là một trong những chính sách có thể xem nhẹ vì nó là sự báo hiệu cho thị trường về những vấn đề nghiêm trọng”, Phó Giám đốc kinh tế của KPMG, ông Michael Malakellis nói. “Đây là một chính sách rất nhạy cảm và chỉ khi thực sự cần thiết chúng ta mới nên sử dụng đến”
Ông Malakellis cho biết cùng với việc xem xét in tiền, RBA và Chính phủ cần tiếp tục tìm cách tăng năng suất của người lao động. Đây là vấn đề đã không hề được đề cập trong các cuộc thảo luận chính sách.
RBA đã nhấn mạnh rằng họ chú ý đến tỷ lệ thất nghiệp và sẽ điều chỉnh lãi suất dựa trên việc người Úc có thể dễ dàng tìm được việc làm trong năm nay như thế nào. Thủ tướng đã yêu cầu RBA trả lời các quan điểm trong báo cáo. Phát ngôn viên của RBA cũng cho biết RBA không bình luận về chính sách tiền tệ bên ngoài các bản phát hành và các tuyên bố riêng của Ngân hàng.

Nguồn tin: PV Thu Hà

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm