Sự lựa chọn nào thay thế cho nhựa?

Friday, 15/01/2021, 11:56 AM

Khi nói về nhựa, hầu hết chúng ta đều liên tưởng tới các loại nhựa sử dụng một lần như túi ni-lông hoặc chai nước nhựa dùng một lần, nhưng nhựa bao gồm nhiều loại vật liệu hơn thế.

Nhựa có mặt ở khắp mọi nơi và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người nhờ tính đa năng, linh hoạt, độ bền cao, chi phí thấp và vì chúng tương đối nhẹ. Những lợi ích này trở thành vấn đề khi con người cố gắng loại bỏ chúng.

Nhà hóa học Michelle Coote thuộc Đại học Quốc gia Úc đánh giá rằng công chúng chưa nhận thức hết mức độ phổ biến của nhựa trong cuộc sống hiện nay. Nếu chúng ta vứt bỏ tất cả đồ nhựa, chúng ta sẽ không có điện thoại thông minh hoặc lớp cách điện trên dây. Nhựa cũng được sử dụng để sản xuất máy bay, nó là một phần giúp máy bay có thể bay. Theo Giáo sư Coote, hầu hết các chất nhựa đóng vai trò hữu ích khi thay thế các vật liệu tự nhiên như gỗ, kim loại, da, cao su tự nhiên và ngà voi, theo nhiều cách rẻ hơn và ít gây hại cho môi trường hơn là các vật chất tự nhiên này.

Nhựa sử dụng một lần không phải là loại nhựa phổ biến duy nhất trong thế giới hiện đại
Nguồn ảnh: Getty Images | Rosley Majid / EyeEm

Hàng tấn nhựa trong môi trường

Điều này không có nghĩa là nhựa tốt cho môi trường. Theo một báo cáo của Science Advances năm 2017, kể từ khi bắt đầu sản xuất hàng loạt vào những năm 1950, con người đã tạo ra 8,3 tỷ tấn nhựa và phần lớn lượng nhựa này vẫn còn ở bên cạnh chúng ta.

Tính đến năm 2015, con người tạo ra 6,3 tỷ tấn chất thải nhựa, nhưng chỉ khoảng 9% trong số đó được tái chế. Phần còn lại hoặc đã được thiêu hủy (12%) hoặc tích tụ lại trong các bãi rác hoặc trong môi trường (79%).

Chỉ riêng trong năm 2016, con người đã sản xuất 396 triệu tấn nhựa, tương đương trung bình 53 kg mỗi người trên hành tinh.

Một nghiên cứu khác cho biết khoảng 40% trong số đó là các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Số liệu của Ngân hàng Thế giới được trích dẫn trong một báo cáo gần đây của Hiệp hội Hoàng gia Te Aparangi (Hiệp hội Hoàng gia New Zealand) về nhựa trong môi trường đã chỉ ra rằng mỗi người dân Úc thải ra 117 gram chất thải nhựa mỗi ngày, tương đương hơn 42kg mỗi người mỗi năm.

Nhựa đang là vấn đề nóng!

Hầu hết các loại nhựa thông thường được làm từ nhiên liệu hóa thạch, một nguồn tài nguyên không thể tái tạo. Các chất phụ gia hóa học được thêm vào trong quá trình sản xuất để nâng cao tính năng, chức năng hoặc tuổi thọ của nhựa, có thể thoát ra ngoài môi trường và gây nguy hiểm tiềm tàng cho sức khỏe. Các nhà khoa học đã đưa ra các thang đánh giá nguy cơ của từng các loại nhựa khác nhau đối với môi trường và sức khỏe con người.

Việc tạo ra sản phẩm nhựa mới rất rẻ, vì vậy để có hiệu quả về chi phí, không phải lúc nào nhựa cũng được tái chế. Và sự tồn tại số lượng lớn các loại nhựa càng khiến quy trình tái chế trở nên phức tạp hơn.

Tính lâu bền của nhựa đồng nghĩa rằng nó tồn tại trong môi trường lâu dài thay vì bị phân huỷ, nhựa gần như không thể phân hủy sinh học hoặc thậm chí trở thành một dạng nguy hiểm hơn trong quá trình phân huỷ. Nhà sinh thái học Scott Wilson thuộc Đại học Macquarie cho biết nhựa không biến mất, chúng cứ tiếp tục phân hủy dần dần và dẫn đến các vấn đề về vi nhựa và cả nhựa nano.

Giáo sư Sangwon Suh, chuyên gia đánh giá vòng đời tại Đại học California Santa Barbara, chia sẻ, chúng ta không thể tách biệt lợi ích của nhựa với các vấn đề mà chúng tạo ra. Giáo sư cũng cho biết nếu con người tiếp tục theo lộ trình hiện tại, lượng khí thải nhà kính từ nhựa sẽ đạt 15% trữ lượng carbon toàn cầu vào năm 2050.

Đâu là sự lựa chọn thay thế cho nhựa?

Con người vẫn chưa khám phá ra một vật liệu kỳ diệu nào có thể thay thế hoàn hảo được cho nhựa. Một số vật liệu tự nhiên được coi là lựa chọn thay thế nhưng nếu thay thế toàn bộ nhựa bằng những vật liệu này có thể sẽ còn gây ra thảm họa môi trường. Câu hỏi thực sự cần đặt ra là liệu con người có thể tạo ra nhưa một cách “thông minh” hơn không.

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng của sản phẩm nhựa, nó có thể lấy vật liệu từ nhựa phế thải có thể phân hủy thành những dạng an toàn với môi trường hoặc được làm từ những loại nhựa tồn tại vĩnh viễn không cần thay thế, hoặc từ những loại hoàn toàn có thể tái chế.

Theo Giáo sư Coote, một góc nhìn khác về sự thân thiện với môi trường đó là tạo ra những vật liệu có tuổi đời lâu hơn để ít cần phải tạo ra nó với khối lượng lớn hơn. Và công việc tiếp theo sẽ là kiểm soát những gì xảy ra với nó sau đó.

Ngoài ra, nhựa sinh học là một chất thay thế có tiềm năng tốt. Nhựa sinh học là một nhóm nhựa hoặc có nguồn gốc sinh học, hoặc có thể phân hủy sinh học, hoặc cả hai. Tuy nhiên, tiến sĩ Wilson cho biết cần phải có một quá trình thu gom và xử lý ở quy mô thương mại đối với những sản phẩm này, mà hiện nay thì những sản phẩm này chỉ tồn tại ở quy mô nhỏ.

Cần đặc biệt lưu ý đối với túi phân hủy oxyt. Loại này gây hại nhiều hơn lợi, thứ nhất là do chúng phân hủy thành vi nhựa, và thứ hai là do các chất phụ gia được thêm vào trong quá trình sản xuất túi nhằm đẩy nhanh quá trình phân hủy này cũng bị thải ra môi trường.

Hiện nay, số lượng nhựa sinh học được sản xuất đang gia tăng. Nhờ làm từ các nguồn tài nguyên tái tạo như chất thải nông nghiệp, mía hoặc ngô, nhựa sinh học thường tạo ra ít khí thải nhà kính hơn nhựa thông thường, đặc biệt nếu sử dụng năng lượng tái tạo để tạo ra chúng.

Trong năm 2017, 2,05 triệu tấn nhựa sinh học đã được sản xuất trên toàn cầu và con số này dự kiến ​​sẽ tăng 20% ​​trong vòng 5 năm tới. Mặc dù hiện tại loại nhựa này chưa ứng dụng được với mọi loại sản phẩm, nhưng với sự cải tiến liên tục về công nghệ, Giáo sư Suh dự đoán rằng nhựa sinh học có thể thay thế tất cả các loại nhựa thông thường vào năm 2050.

Cần một giải pháp xã hội

Giáo sư Coote đánh giá rằng rác thải nhựa cũng là một vấn đề xã hội không kém gì vấn đề khoa học. Chúng ta cần xem xét cách thay đổi hành vi của con người và tái chế, tái sử dụng và giảm nhu cầu về nhựa, đặc biệt là nhựa sử dụng một lần, thay vì chỉ tìm kiếm một giải pháp khoa học.

Tiến sĩ Wilson lưu ý thêm, với bất kỳ phương án thay thế nào cũng cần phải so sánh những ảnh hưởng đối với môi trường của quá trình đó, bao gồm cả việc tạo ra khí thải carbon và kết quả cuối cùng. Ví dụ, một báo cáo của Ủy ban Châu Âu đã xem xét loại nhựa sử dụng một lần và các chất thay thế của chúng. Báo cáo phát hiện ra rằng một lần sử dụng ống hút bằng polypropylene sử dụng một lần sẽ tạo ra ít khí thải carbon dioxide hơn một lần sử dụng ống hút giấy dùng một lần hoặc một lần sử dụng ống hút bằng thép hoặc silicon có thể tái sử dụng. Tuy nhiên, báo cáo đã không kết luận được điều gì đã xảy ra với những sản phẩm này khi hết tuổi thọ.

Con người sẽ không bao giờ loại bỏ nhựa, nhưng rõ ràng chúng ta có thể sử dụng những sản phẩm nhựa một cách hợp lý hơn.

 

Giang Vũ

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm