Úc: những thành phố có tốc độ lưu thông đường bộ chậm nhất

Friday, 26/10/2018, 16:32 PM

Không ngạc nhiên khi Sydney được mệnh danh là “thủ đô ùn tắc” của nước Úc, nhưng đây lại không phải thành phố có tốc độ xe di chuyển chậm nhất trong giờ cao điểm.

Theo báo cáo mới do Công ty Bảo hiểm NRMA cung cấp, vị trí đầu tiên trong danh sách các thành phố có tốc độ lưu thông đường bộ chậm nhất là Adelaide với tốc độ giờ cao điểm trung bình cho các phương tiện là 54,3 km/h, xếp thứ hai là Sydney với tốc độ trung bình 58,2 km/h, và tiếp đó là các thành phố Melbourne, Perth, Hobart và Canberra.

Tốc độ lưu thông đường bộ tại một số thành phố lớn của Úc

Nguồn: Hiệp hội ô tô Úc

Tuy nhiên, nếu xét về tốc độ theo luồng lưu thông tự do – tốc độ qua đêm trên những cung đường có lưu lượng xe thấp, thì Sydney vẫn là thành phố “chậm” nhất. Đây là kết quả trong báo cáo Tình trạng tắc nghẽn giao thông ở Úc do Hiệp hội ô tô Úc (AAA) thực hiện. So với 5 năm trước, người dân Sydney mất thêm trung bình 11 giây cho mỗi 5km di chuyển.

Tình trạng tắc nghẽn giao thông tại Melbourne được cải thiện đôi chút so với năm 2017

Nguồn ảnh: News Corp Australia

Theo phát ngôn viên của NRMA, ông Peter Khoury, Sydney đang chứng kiến sự phát triển bùng nổ về cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng với các tuyến đường chính và dự án giao thông công cộng đang trong quá trình xây dựng, vì vậy kết quả sẽ không gây ngạc nhiên cho các tài xế trong thành phố. Ông Khoury cũng nêu bật sự cần thiết phải có thêm cơ sở hạ tầng đường bộ như các dự án Sydney Light Rail, WestConnex và North-West Metro và cho rằng điều quan trọng là các dự án này phải được hoàn thiện nhanh chóng vì lợi ích của hành khách, người tham gia giao thông, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch.

Tình trạng tắc nghẽn và tốc độ lưu thông trên các tuyến đường tới sân bay

Tuyến đường từ trung tâm thành phố Brisbane đến sân bay là tuyến có tình trạng ùn tắc tồi tệ nhất, tiếp theo là tuyến sân bay của Melbourne và Adelaide. Trong đó, tình trạng tắc nghẽn trên tuyến đường sân bay Tullamarine của Melbourne tăng cao nhất (13%) so với bất kỳ tuyến đường sân bay nào khác trong 5 năm trở lại đây. Các thành phố Canberra, Darwin và Sydney có các tuyến đường sân bay ít tắc nghẽn nhất.

Theo báo cáo, kể từ năm 2013, tốc độ lưu thông trung bình trên tuyến sân bay của các thành phố lớn giảm tới 6,1% và  Perth là thành phố duy nhất ghi nhận sự cải thiện về tốc độ trung bình.

Hệ quả của tình trạng ùn tắc giao thông

Theo Hiệp hội AAA, kết quả của báo cáo này một lần nữa khẳng định thực tế mà mỗi người dân sống ở các thành phố lớn đều nhận thấy, đó là tình trạng ùn tắc giao thông ngày một tồi tệ hơn qua mỗi năm. Giám đốc điều hành của AAA, ông Michael Bradley, cho biết việc người lao động và hàng hóa bị kẹt trong những cung đường sẽ khiến chi phí kinh doanh tăng lên và năng suất thì giảm xuống. Những gánh nặng chi phí này cuối cùng bị chuyển lên vai người tiêu dùng thông qua việc tăng chi phí sinh hoạt.

Trong năm 2014-15, chi phí phát sinh do ùn tắc giao thông đường bộ của Úc là 18,7 tỷ đô-la. Trong năm 2018-19, mức chi phí này dự kiến ​​sẽ vượt quá 23 tỷ đô-la, cao hơn giá trị của tất cả các khoản chi tiêu liên quan đến đường bộ.

“Nếu không có những thay đổi chính sách lớn, chi phí tắc nghẽn giao thông dự kiến ​​sẽ đạt mức 30,6 tỷ tới 41,2 tỷ đô-la vào năm 2030”, ông Bradley nói.

Báo cáo Tình trạng tắc nghẽn giao thông ở Úc là báo cáo đầu tiên nhằm đánh giá vấn đề ùn tắc đường bộ trong tất cả các thành phố lớn của đất nước. Các dữ liệu phục vụ nghiên cứu được thu thập từ các thiết bị điện thoại thông minh, cảm biến xe, thiết bị GPS và cảm biến đường bộ trên hơn sáu triệu đoạn đường khắp nước Úc.

Phóng viên Thu Hà

Báo Doanh nhân Việt Úc

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm