Theo báo Le Figaro, “cơn sốt vàng” trên thế giới diễn ra trong những tháng qua là nhờ nhu cầu của các ngân hàng trung ương. Cho đến nay, “cơn sốt” này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, do kỳ vọng của thị trường vào việc các ngân hàng trung ương lớn sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất trong những tháng tới.
Bài phân tích đăng tải trên báo Le Figaro viết: Vàng tỏa sáng rực rỡ. Và trên hết, nó dường như không muốn thoát ra khỏi “đám mây mù bao quanh”.
Từ tháng 12/2023, giá vàng đã “nhảy múa” quanh mức 2.100 USD/ounce. Thậm chí, có lúc mặt hàng kim loại quý này còn vượt lên, chạm tới mức kỷ lục 2.195 USD/ounce trong những ngày gần đây, gây ngạc nhiên cho các thị trường và nhà giao dịch.
Vì sao giá vàng tăng? Theo cách giải thích truyền thống vàng là một loại tài sản trú ẩn an toàn. Giá của mặt hàng này sẽ tăng khi xuất hiện các cuộc khủng hoảng địa chính trị lớn, ví dụ như đại dịch Covid-19 vào năm 2020, xung đột Nga-Ukraine vào năm 2022 và trong năm 2023 là cuộc khủng hoảng ngân hàng địa phương của Mỹ và xung đột leo thang tại Gaza.
Đâu là nguyên nhân?
Vậy nguyên nhân khiến vàng tăng giá thời gian vừa qua là gì? Tại Pháp, Sở giao dịch chứng khoán Paris đã được tiếp sức bởi kết quả kinh doanh tốt của các công ty trong nước, ghi nhận những kỷ lục bất ngờ kể từ khi vượt ngưỡng tượng trưng 8.000 điểm vào ngày 7/3.
Và bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số chứng khoán công nghệ Nasdaq cũng như S&P 500 của Mỹ đã đạt ngưỡng cao chưa từng thấy trong nhiều tuần, mặc dù có sự sụt giảm nhẹ trong những ngày gần đây.
Các nhà quan sát cho rằng sự hưng phấn của các nhà đầu tư đẩy giá vàng và chứng khoán tăng vọt trong những ngày qua chính là kỳ vọng về việc các ngân hàng trung ương lớn, bao gồm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ sớm hạ lãi suất.
Lạm phát phi mã trong những tháng gần đây “dường như đã được kiềm chế” và việc nới lỏng tiền tệ “có vẻ hợp lý” sau nhiều tháng lãi suất liên tục ở mức đỉnh.
Tuy nhiên, một phần lý do cũng xuất phát từ mong muốn giảm chi lãi suất cho vay. Nếu lãi suất hạ, các doanh nghiệp sẽ được giảm áp lực, giúp họ có thể trang trải các khoản vay với chi phí thấp hơn. Nó cũng có lợi cho vàng một trong những loại tài sản nhạy cảm nhất với các yếu tố rủi ro.
“Bản thân vàng không tạo ra lãi suất. Giữ nó rất tốn kém khi lãi suất cao. Giống như bạn giữ vốn mà không có lợi nhuận nào. Vì thế sẽ dẫn đến mất mát cần được bù lại”, ông Arnaud du Plessis, một chuyên gia chuyên về vàng tại công ty quản lý tài sản CPR AM có trụ sở ở Paris, nhận định.
Ngoài ra, do được tính bằng USD, vàng rất nhạy cảm với sự thay đổi trong giá trị của đồng tiền này. Đồng bạc xanh đã có sự thụt lùi từ nhiều tháng nay.
Ông François de Lassus, chuyên gia tư vấn cho mạng lưới cửa hàng “Or en Cash” tại Pháp, cho biết: “Khi giá trị đồng USD giảm, giá mỗi ounce vàng sẽ tăng lên. Nó diễn ra theo cách cơ học”. Nói cách khác, khi đồng USD mất giá, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ cần phải chi nhiều tiền hơn để mua cùng một lượng vàng.
Nhưng ngay cả khi vàng tăng vọt lên vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce thì đó cũng không phải là điều gì quá ngạc nhiên. Chuyên gia Alexandre Bardez, nhà phân tích các kim loại quý của nền tảng giao dịch IG, đánh giá: “Vàng đã dao động quanh mức 2.000 USD/ounce trong gần bốn năm qua, ngay cả khi vàng đã trải qua một số lần giảm giá trong khoảng thời gian này. Sẽ là điều bình thường khi ở một thời điểm nào đó, ngưỡng kỹ thuật và tâm lý bị vượt quá như đã được thấy nhiều lần gần đây”.
Các kỷ lục về giá vàng thường xuyên bị phá vỡ hoặc được thiết lập mới kể từ khi bùng nổ đại dịch Covid-19 đến nay (tháng 8/2020, tháng 3/2022, tháng 5 và tháng 12/2023, và gần nhất là tháng 3/2024). Tuy nhiên, về cơ bản, diễn biến tốt của giá vàng trong những năm 2020 chủ yếu là nhờ vào “nhu cầu vô độ” của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là từ các nền kinh tế mới nổi.
Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), các tổ chức tiền tệ này đã mua số lượng vàng khổng lồ trong năm 2022, cụ thể tổng cộng là 1.135 tấn, một kỷ lục trong 60 năm qua. Xu hướng đó vẫn tiếp diễn trong năm 2023 với 1037 tấn vàng đã được giao dịch và những tháng đầu năm 2024 dường như cũng diễn ra theo cách tương tự.
Đặc biệt, việc mua vàng cũng có liên quan đến chủ trương của một số nước, chẳng hạn Trung Quốc, Nga, Ấn Độ…, xuất phát từ nhu cầu giảm tối đa sự phụ thuộc vào đồng USD hoặc trái phiếu Mỹ mà các nước này là những chủ sở hữu hàng đầu.
“Vàng có thể được coi là một loại tiền tệ phổ quát, không bị ràng buộc bởi một quốc gia. Đó là loại tiền tệ không thuộc về ai và không thể phá sản”, chuyên gia Arnaud du Plessis nhấn mạnh.
Nhu cầu gia tăng không ngừng
Theo hãng tin Bloomberg, tháng 2/2024, Trung Quốc – quốc gia nắm giữ vàng lớn thứ 7 thế giới – đã mua mặt hàng kim loại quý này trong tháng thứ 16 liên tiếp, nâng dự trữ vàng của nước này lên 2.157 tấn. Đứng thứ 6 thế giới trong bảng xếp hạng, Nga cũng đã tích lũy thêm hàng tấn vàng kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra vào năm 2022. Moscow cũng phải thường xuyên mở kho bạc để chi tiêu trong hoàn cảnh phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây, và vì vậy đã phải mua lại vàng để bù vào.
Trang sức, một ngành “ngốn” rất nhiều kim loại quý, nhất là tại Trung Quốc và Ấn Độ, cũng tạo nên một cơn sốt vàng khác. Theo nhận xét của ông Arnaud du Plessis, vàng còn lâu mới bị đẩy xuống hàng thứ yếu, khi nhu cầu nguyên liệu thô này vẫn chiếm một nửa nhu cầu vàng hàng năm trên thế giới. Tại Trung Quốc, lượng mua đồ trang sức làm bằng vàng đã tăng vọt vào đầu năm nay.
“Nhu cầu của Trung Quốc tăng rất mạnh trong tháng Hai nhờ sự thúc đẩy của các hoạt động mua sắm dịp Tết Nguyên đán, kể cả trong giới trẻ. Nó có liên quan đến ‘China Chic’ – lễ hội thời trang thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm xa xỉ, bao gồm đồ trang sức địa phương”, bà Laurent Schwartz, chủ tịch mạng lưới cửa hàng vàng “Comptoir national de l’or” tại Pháp, cho biết.
Việc mua sắm của cá nhân tuy không có ảnh hưởng nhiều đến thị trường vàng khổng lồ cả thế giới, nhưng các hộ gia đình vẫn luôn rất nhạy cảm với sự thay đổi giá kim loại quý này. Ông François de Lassus, người chứng kiến doanh số của Or en Cash tăng 15% trong hai tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, cho biết: “Giống như thị trường chứng khoán, khách hàng có xu hướng mua nhiều hơn khi vàng tăng giá”.
Nhưng tác động tăng giá chủ yếu được thấy ở việc bán lại. Những khách hàng nắm giữ đồ trang sức hoặc tiền xu vàng và những người cần tiền mặt cũng được hưởng lợi từ hiệu ứng “trời cho”. Ông François de Lassus cho biết: “Tình hình tài chính của người Pháp không khởi sắc. Điều này khuyến khích những người có vàng cũ mang đi bán”.
Ngày càng có nhiều cá nhân mua vàng thông qua quỹ đầu tư ETF vàng – một chỉ số theo dõi hoạt động của một rổ cổ phiếu hoặc một mặt hàng nguyên liệu thô. Trên trang mạng môi giới Trade Republic (sở hữu 4 triệu khách hàng ở châu Âu), Gold ETF là ETF được người tiết kiệm Pháp mua nhiều thứ tư. Điều đáng ngạc nhiên là độ tuổi của người sử dụng các giải pháp tiết kiệm qua điện thoại thông minh này.
Chuyên gia Vincent Grard, Giám đốc Trade Republic tại Pháp, cho biết, khách hàng của hệ thống ETF “nhìn chung đều ở độ tuổi khá trẻ, trong khi theo truyền thống vàng là một tài sản được mua nhiều ở những người có độ tuổi cao hơn. Điều này cho thấy khách hàng, bao gồm cả những người trẻ tuổi, đã hiểu rằng vàng phải là một phần của danh mục đầu tư đa dạng”. Thậm chí còn hơn thế nữa trong thời kỳ có nhiều bất ổn địa chính trị như hiện nay.
Theo nghĩa này, “cơn sốt vàng” dường như vẫn chưa thể hạ nhiệt.
Nguồn: Báo Thế Giới & Việt Nam
Leave your comment