Theo trang mạng của Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO) của Australia, vùng nước ấm áp ở khu vực phía Bắc Australia khiến cho khu vực Top End (vùng đất rộng lớn trải dài từ Bán đảo Cape York của bang Queensland đến vùng Kimberley của bang Tây Australia) trở thành nơi có khí hậu lý tưởng để triển khai hoạt động nuôi tôm một cách bền vững. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không tồn tại những thách thức, và điều quan trọng là cần phải xác định đúng vị trí.
Có nhiều nhà nuôi trồng thủy sản đã nỗ lực nuôi tôm thương mại ở Vùng lãnh thổ Bắc Australia, nhưng cho đến nay vẫn chưa thành công. Hiện tượng lốc xoáy, mưa lớn, chim hoang dã kiếm mồi và khoảng cách xa xôi đã khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thành lập và phát triển các trang trại nuôi tôm tại khu vực này.
Các nhà khoa học tại CSIRO đang xem xét lại vấn đề này và triển khai một dự án nghiên cứu mới mang tính đổi mới ở thành Darwin (Vùng lãnh thổ Bắc Australia) nhằm hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp thủy sản tại đây. Nếu thành công, nghiên cứu trên có thể tạo điều kiện triển khai các hoạt động nuôi tôm trên khắp khu vực phía Bắc của Australia, trải dài từ phía Bắc bang Tây Australia đến phía Bắc bang Queensland.
*Chứng minh có thể nuôi tôm thành công ở khu vực Top End
Trưởng dự án nghiên cứu, ông Simon Irvin, cho biết nhóm các chuyên gia đã thiết lập một khu vực thử nghiệm ở Darwin và kết quả ban đầu đã giúp họ hiểu được những khó khăn, thách thức mà trước đây ngành nuôi tôm gặp phải.
Ông Simon nói: “Lưới phủ hồ nuôi tôm là ‘tiêu chuẩn vàng’ để bảo vệ tôm khỏi hoạt động săn mồi của chim. Các thử nghiệm của chúng tôi cho thấy tỷ lệ tôm tồn tại chỉ là 6% trong hồ không có lưới và 68% trong hồ được phủ lưới. Tuy nhiên, việc lắp đặt lưới rất tốn kém và ở vùng Top End, lưới có thể dễ dàng bị xé toạc và bị hư hại do lốc xoáy. Vì vậy, chúng tôi sẽ thực hiện bước tiếp theo và thử nghiệm sử dụng tia lazer và thiết bị bay không người lái để ngăn chặn các loài chim và loại bỏ việc sử dụng lưới”.
Tôm cũng rất ưa nước mặn. Tuy nhiên, gió mùa ở phía Bắc Australia có thể gây ra một lượng mưa lớn, biến nước mặn trong các hồ nuôi tôm thành nước ngọt. Nhóm nghiên cứu đang tìm cách ngăn chặn điều này, đồng thời hạn chế sự cạnh tranh từ các loài tôm hoang dã xuất hiện nhiều trong môi trường tự nhiên.
Một trong những mục tiêu chính của dự án nghiên cứu là giảm thiểu chi phí vận hành và cải thiện tính bền vững bằng việc giảm thiểu nhu cầu thức ăn cho tôm và các chi phí đầu vào khác.
*Nuôi tôm quảng canh có khả thi ở Australia không?
Ở Australia, hầu hết tôm được nuôi trong các hệ thống nuôi thâm canh. Điều này có nghĩa là mật độ thả giống cao, khoảng 25-50 con tôm/m2.
Tuy nhiên, các hệ thống nuôi tôm quảng canh yêu cầu số lượng tôm giống được thả thấp hơn nhiều – thường dưới 5 con/m2. Trong khi nuôi tôm quảng canh chưa được thử nghiệm rộng rãi ở Australia, thì đã tồn tại một ngành nuôi tôm quảng canh khá lâu đời và thành công ở Việt Nam.
Cái hay của hệ thống nuôi tôm quảng canh là hệ thống này không cần hoặc chỉ cần một lượng nhỏ thức ăn bổ sung cho tôm. Tôm dựa vào việc lấy phần lớn chất dinh dưỡng từ các vi sinh vật phát triển trong hồ.
Nếu không có các khoản chi phí liên quan đến việc vận hành hàng ngày như hiện nay, các hệ thống canh tác quảng canh sẽ có chi phí vận hành thấp hơn nhiều và bền vững hơn về dài hạn. Nếu loại bỏ yêu cầu về việc phủ lưới hồ tôm, thì điều này sẽ thực sự mang lại bước ngoặt về kinh tế.
Kết quả ban đầu trong mùa đầu tiên ở khu vực thử nghiệm tại Darwin rất hứa hẹn, với một vụ thu hoạch tôm thành công bất chấp những thách thức trước đó tồn tại ở khu vực này. Bước quan trọng tiếp theo là áp dụng những phát hiện này ở quy mô các trang trại nuôi tôm thương mại trên thực tế.
*Xây dựng điểm thí nghiệm ở phía Bắc
Các nhà nghiên cứu tại CSIRO đang phối hợp với tổ chức bản địa Tiwi Resources, tổ chức đại diện cho 8 nhóm thị tộc của Quần đảo Tiwi, để xác định vị trí phù hợp cho một trang trại thí điểm nuôi tôm quảng canh mới với quy mô rộng hơn trên các đảo ngoài khơi khu vực Darwin.
Theo kế hoạch, trang trại thí điểm sẽ được đặt tại khu vực cộng đồng người Wurankuwu trên đảo Bathurst Island (Vùng lãnh thổ Bắc Australia).
Ông Ron Poantumilui, một lãnh đạo cấp cao trong cộng đồng người Wurankuwu, cho biết các cộng đồng người bản địa khác nhau trên Quần đảo Tiwi đang dần nhìn ra tiềm năng thực sự trong việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên đảo. Ông cho rằng: “Tầm nhìn trước mắt là triển khai một kế hoạch 5 năm phát triển một khu vực thí điểm. Nếu thành công, kế hoạch này sẽ mang lại lợi ích cho người dân tại đây bằng cách tạo ra cơ hội kinh tế mới. Tầm nhìn này sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho các thế hệ tiếp theo”.
Mục tiêu ban đầu của kế hoạch là xây dựng 6 hồ nuôi tôm, mỗi hồ rộng 1 ha. Nếu các dự án chứng minh được tính khả thi trong việc nuôi tôm quảng canh ở vùng biển phía Bắc Australia, quy mô của các cơ sở nuôi tôm trên sẽ được mở rộng hơn nữa. Các trang trại nuôi tôm tiếp theo sau đó có thể được xây dựng theo mô hình tương tự tại nhiều địa điểm khác nhau trên khắp khu vực Top End.
Quay trở lại với Darwin, ông Simon cho biết dự án đang tập hợp tất cả những kiến thức đã biết về nghề nuôi tôm ở Australia và ở nước ngoài, với những phương pháp mới, để vượt qua những trở ngại vốn tồn tại hiện nay. Ông cho biết: “Việc thành lập một trang trại nuôi tôm thí điểm do cả cộng đồng và các chuyên gia dẫn dắt trên Quần đảo Tiwi sẽ mở ra cơ hội lớn cho các cộng đồng ở khu vực phía Bắc Australia và mang lại nguồn cung tôm chất lượng cao nhất cho Australia”./.
Nguồn: bnews.vn
Leave your comment