Doanhnhanvietuc – Tăng trưởng ấn tượng 20-30%/năm trong vòng 7 năm liên tục nhưng tài chính tiêu dùng vẫn chưa thực sự tương xứng với kỳ vọng và tiềm năng còn rất lớn của thị trường này.
Tại “Tọa đàm về phát triển tài chính bán lẻ, cơ hội thúc đẩy tiêu dùng, phục vụ tăng trưởng kinh tế” do Báo Đầu tư tổ chức sáng nay (12/7), các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về thực trạng, tiềm năng và vai trò của tài chính tiêu dùng trong sự phát triển chung của nền kinh tế; giải thích căn nguyên lãi suất và các lưu ý khi sử dụng dịch vụ tài chính tiêu dùng; nỗ lực để mở rộng thị trường tài chính tiêu dùng một cách toàn diện và giải pháp phát triển…
Trong đó, việc tìm kiếm hướng đi cho thị trường này được các chuyên gia và đại biểu tham dự đặc biệt quan tâm và cùng chung nhận định rằng việc phát triển tài chính tiêu dùng cần sự nỗ lực tổng thể từ cơ quan quản lý, các CTTC và bản thân người tiêu dùng.
Về phía cơ quan quản lý, theo luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), việc quan trọng nhất cần làm là hoàn thiện hành lang pháp lý cho CTTC hoạt động trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng.
Luật sư Đức cho rằng, hành lang pháp lý cho hoạt động này đã liên tục được củng cố, đặc biệt là sau khi Thông tư số 43/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 15/3/2017 điều chỉnh thị trường này theo hướng phù hợp với thực tế hơn, giúp công ty tài chính dễ dàng cho vay, đồng thời giúp người vay tiêu dùng có thể linh hoạt vay vốn phục vụ nhiều mục đích, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tuy nhiên, “về lâu dài, vẫn cần xem xét loại công ty tài chính ra khỏi Luật Các tổ chức tín dụng, để không phải áp dụng các điều kiện, chế tài ngặt nghèo như đối với các tổ chức dụng”.
Về phía CTTC, Luật sư Đức khuyến cáo các CTTC cần xác định kinh doanh phải uy tín, bài bản. Quan trọng hơn phải có công cụ, biện pháp bảo đảm nội dung, câu chữ trong hợp đồng không gây thiệt hại đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Đối với người tiêu dùng, trước khi đặt bút ký hợp đồng, người vay cần cân nhắc kỹ khả năng trả nợ của mình và tìm hiểu kỹ lưỡng về lãi suất, thời hạn vay, điều kiện vay, công thức tính toán,… tránh trường hợp xung đột khi đến kỳ hạn thanh toán.
Đồng quan điểm, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng còn cho rằng – Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa tài chính tiêu dùng vào chương trình học đường như một môn học chính thức. Hiện đã có một số trường tư làm được việc này trong khi các trường công chưa làm được. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, tài chính tiêu dùng, hay nói đơn giản hơn là việc chi tiêu cá nhân là một trong những bài học cơ bản của các em học sinh, giúp các bạn trẻ có sự chuẩn bị tốt về kế hoạch tài chính cá nhân ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Theo trí thức trẻ
Leave your comment